Đà Lạt – thành phố Mộng Mơ

Đà Lạt được biết đến với cái tên mỹ miều là “thành phố mộng mơ” hay “thành phố ngàn hoa”. Đến Đà Lạt, bạn nên dành nhiều thời gian, sống chậm rãi để có thể cảm nhận đầy đủ nhất cái không khí lành lạnh, phong cảnh trữ tình cùng nhịp sống của con người của vùng đất này.

Đến Đà Lạt, bạn có thể dạo quanh những luống hoa xuất hiện ở khắp mọi ngóc ngách của thành phố, đi dạo dưới những rừng thông buổi sớm mai… hay thưởng thức vài món ăn đường phố, tám chuyện cùng bạn bè bên ly cà phê buổi sáng. Và cũng đừng quên tiếp xúc những con người Đà Lạt hiền lành, dễ mến. Đến Đà Lạt đi, rồi sẽ có những lúc bạn muốn ở đây mãi mà chẳng muốn quay về.

Video được sản xuất trong dự án Go Explore Vietnam – phượt xuyên Việt, sản xuất video và bài viết quảng bá du lịch Việt Nam.

Tổng hợp món ăn ngon phải thử khi đến Buôn Ma Thuột

Ở Buôn Ma Thuột, ngoài nổi tiếng là thủ phủ cà phê với hàng trăm quán cà phê thì còn tỉ tỉ thứ hay ho khác, trong đó phải kể đến đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn vặt. Du lịch Buôn Ma Thuột, bạn phải thử những món ngon này nhé!

Vì đa phần là dân tứ xứ, mọi miền về Buôn Ma Thuột sinh sống và lập nghiệp… do đó Buôn Ma Thuột có ẩm thực đa dạng, được du nhập từ mọi nơi và qua thời gian được chế biến theo sở thích, khí hậu, điều kiện ở đây. Nhiều món ăn đã là đặc sản của vùng khác, nhưng khi đến Buôn Ma Thuột ăn thì sẽ có cảm nhận thật khác.

Món ăn ngon phải thử khi đến Buôn Ma Thuột
Món ăn ngon phải thử khi đến Buôn Ma Thuột


 Mình sống ở Buôn Ma Thuột ngót nghét 9 năm nên cũng hiểu được phần nào, dù phải sau này khi có tiền rồi về mới hay đi ăn uống thôi. Bài này mình sẽ cập nhật dần những món ăn ngon tại Buôn Ma Thuột từng được thử để bạn bè hay ai đó khi đến Buôn Ma Thuột có thêm thông tin và có cơ hội thưởng thức.

1- Bún riêu Buôn Ma Thuột:

Hồi mới xuống Sài Gòn, khi quán mang bún riêu ra là cứ tưởng là họ nhầm, vì bún riêu Sài Gòn và Buôn Ma Thuột khác xa nhau quá. Nếu như tô bún riêu Sài Gòn đầy đủ với riêu, giò, ốc, thịt, rau muống thì bún riêu Buôn Ma Thuột đơn giản hơn, chỉ có miếng cà chua đỏ, vài miếng tóp mỡ, hành phi và 2,3 miếng riêu to chà bá – ngon hơn cục riêu Sài Gòn mấy trăm lần :”> ăn hết vẫn còn thòm thèm.

Bún riêu Buôn Ma Thuột thật hấp dẫn
Bún riêu Buôn Ma Thuột thật hấp dẫn

Đặc biệt của bún riêu Buôn Ma Thuột nữa là dĩa rau sống ăn kèm, rau xà lách, bắp cải rửa sạch thái thật mỏng bỏ vào tô bún riêu đang nghỉ ngút khói, ăn vừa giòn vừa ngọt. Ăn hết rau lại xin thêm thoải mái. :3 

Bún riêu Buôn Ma Thuột thật hấp dẫn
Bún riêu Buôn Ma Thuột thật hấp dẫn

Đến Buôn Ma Thuột, Bún riêu nên ăn buổi sáng, trời lạnh lạnh, uống ly trà nóng và ăn tô bún riêu quá là tuyệt vời.  Mình hay ăn quán ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần ngã 3 với Quang Trung, quán này bán lâu lắm rồi, có cả bún thịt nướng cũng ngon.

Hoặc trên Nguyễn Tất Thành, đối diện Biti’s có đường chạy vô có quán bún riêu cũng đông khách. Hay đi dọc đường phố BMT thì sáng nhiều chỗ bán lắm. Giá tầm 20k-30k/tô.

2- Bún đỏ Buôn Ma Thuột 

Bún đỏ là loại bún đặc trưng, gần như chỉ có ở Buôn Ma Thuột, nằm ngay trường cấp 3 cũ nên lâu lâu cũng ghé ăn. Nếu như ở Buôn Ma Thuột, bún riêu bán sáng thì bún đỏ chỉ bán vào giấc chiều khoảng 4h đến tối muộn. 
Bún đỏ Buôn Ma Thuột có sợi to như cây đũa và được nhuộm đỏ bằng hạt điều (nghe nói thế), sau đó cho vào nồi nước lèo, tô bún cũng có tóp mỡ và rau (rau cần, rau muống…), có thêm cục chả ngọt ngọt và quả trứng cút. 

Bún đỏ Buôn Ma Thuột
Bún đỏ Buôn Ma Thuột


Nhìn qua thấy giống giống canh bún dưới Sài Gòn nhưng khi ăn thì thấy khác ngay. Đặc biệt thích bún đỏ Buôn Ma Thuột có sợi bún to ngấm gia vị và vị ngọt của rau cần.
Bún đỏ bán góc đường Phan Đình Giót với Lê Duẩn hoặc bên hông Biệt Điện vỉa hè đường Lê Hồng Phong. Đến Buôn Ma Thuột phải thử nhé!

3- Bánh canh/bún cá dầm:

Món ăn ngon này chuẩn miền biển và đi theo người Nha Trang du nhập ẩm thực Buôn Ma Thuột từ khá lâu rồi. Nổi tiếng nhất là quán Hương – 57 Hai Bà Trưng, ngay góc ngã tư với Phan Bội Châu.
Quán đông khách nhưng chỉ có 1 món duy nhất, được chuẩn bị sẵn nên khách vừa ngồi xuống ghế là đã có ngay tô bún cá nghi ngút khói trước mặt. Gồm 1 tô bún kèm vài miếng cá dầm và 1 chén chả cá nhỏ được trộn với ớt và hành tây.

Bún cả dầm Buôn Ma Thuột
Bún cả dầm Buôn Ma Thuột

Sợi bánh canh nhỏ như sợi bún, nhưng dai dai như bánh canh, và khi ăn thì không có đũa, chỉ có thìa thôi. Khi ăn vừa có vị ngọt của chả cá, thơm thơm của hành và cay của ớt. Cực thích hợp ăn vào chiều chiều, trời mưa nhẹ nhẹ. Giá 20k/tô, mà tô hơi nhỏ nên toàn ăn 2 tô mỗi lần.

4- Xôi chiên Phùng Chí Kiên:

Hồi xưa mỗi lần đi học thêm chiều tối toàn lót dạ bằng 1,2 cái bánh xôi chiên ở mấy cái xe đẩy dọc đường. Bánh có chút xíu, đường kính tầm 5cm, xôi có nhân ít miến, mộc nhỉ, thịt được chiên giòn, xịt thêm miếng xì dầu, tương ớt ở giữa…ngon bá cháy. Mà dạo này về ít thấy rồi. Nên mấy lần về hay ghé quán bên đường Phùng Chí Kiên hơn.
Quán bên Phùng Chí Kiên nhỏ xíu, kê 2 cái bàn trong gian nhà lụp xụp, phía trước là cái chảo dầu, bánh chiên được cắt ra dĩa, khi ăn chấm với tương ớt. Quán này nổi tiếng nên đông khách lắm, vừa ngon lại rẻ, 1 dĩa có 5k.

Xôi chiên Phùng Chí Kiên, Buôn Ma Thuột
Xôi chiên Phùng Chí Kiên, Buôn Ma Thuột

5- Bánh đúc nóng Buôn Ma Thuột:

Cách quán xôi chiên mấy nhà, cũng trên đường Phùng Chí Kiên (đường này đối diện trường cấp 3 Chu Văn An nên nhiều đồ ăn quá) là quán bánh đúc, có bánh đúc nguội và nóng, mình thì thích ăn đúc nóng hơn. Một phần bánh đúc nóng có mộc nhỉ, thịt băm, hành phi ăn với nước mắm. Ngon mà cũng không mắc, hình như là có 7k/chén à.

6- Nem nướng Ninh Hoà:

 
Lại một món ăn miền biển được di cư lên phố núi Buôn Ma Thuột, có 1 dọc mấy quán đầu đường Lý Thường Kiệt… đi ngang là bị chèo kéo vào ngay.
Hồi xưa ở nhà, lâu lâu chán cơm là có dịp được ăn nem nướng… nên giờ lâu lâu đi ăn chủ yếu để nhớ lại tuổi thơ nhiều hơn. Món này thích hợp ăn no hơn là ăn vặt.
1 phần ăn gồm có 1 dĩa nem được xiên nướng, bánh tráng chiên dòn, một dĩa rau đủ vị: có xà lách, chuối chát, khế chua… và đặc biệt là dĩa củ kiệu, đu đủ, củ cải và hành muối. Tương ăn kèm cũng khá ngon, có vị ngọt và khi nào cũng được đun nóng trước khi ăn.

7- Trà lipton tự pha:

Cái này không phải món ăn, vặt lại càng không. Nhưng là một món cực kỳ đặc biệt khi đi uống cà phê ở Buôn Mê Thuột với mấy vùng Tây Nguyên. Khác hoàn toàn với Sài Gòn nha.

Trà lipton tự pha trong các quán cafe ở Tây Nguyên
Trà lipton tự pha trong các quán cafe ở Tây Nguyên

Sẽ có 1 ly trà lipton được pha, mang kèm ra là một dĩa nhỏ trên đó có lung tung thứ. Vài lát cam thảo, mứt cam, viên xí muội, miếng chanh và gói đường. Người uống sẽ tự làm bartender, tự pha chế bằng cách cho các nguyên liệu vào ly, bỏ đường, chanh tủy khẩu vị.
Khi uống có vị chát chát của trà, xen lẫn vị chua ngọt, thơm thơm của cam thảo, xí muội. Nhớ là dằm nát viên xí muội ra sẽ ngon hơn nhiều. Hehe.

Bạn mình hay hỏi đến Buôn Ma Thuột chơi gì, thật ra mình ở Buôn lâu nhưng đa phần thời gian chủ yếu là đi học, đi xe đạp lại không có nhiều tiền nên ít biết mấy chỗ ăn chơi lắm. Sau này có điều kiện hơn nên mỗi lần về đều đi ăn, ăn bù cho những ngày tháng khó khăn :3 Đợt tới có điều kiện sẽ viết bài về các điểm chơi ở Phố Núi. Bài này sẽ cập nhật dần các món ăn ngon được thử ở phố. 

Cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng ngày trở lại, mùa mưa 2016

Tà Năng – Phan Dũng là cũng đường trekking đem lại cho tôi nhiều cảm xúc… Không phải là người đầu tiên viết bài review hướng dẫn trekking Tà Năng – Phan Dũng, nhưng với bài note: Hướng dẫn Trekking Tà Năng – Phan Dũng 1,5 ngày – cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam khá chi tiết sau chuyến đi lần đầu năm 2015, đến giờ tôi vẫn nhận được khá nhiều câu hỏi về cách đi cung đường này.

Cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng hấp dẫn
Cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng hấp dẫn
Lần lựa mãi, hứa hẹn mùa cỏ cháy quay lại nhưng rồi đến tận 1 năm sau, mới có dịp tình cờ đi lại cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng ấy. Gọi là tình cờ vì quyết định đi và chuẩn bị đồ chỉ khoảng 4 ngày, 1 số bạn đồng hành không đi được vào phút chót, thời tiết không ủng hộ vì đúng ngay dịp áp thấp nhiệt đới, lên đường với nhiều âu lo khi bạn gái đi cùng không quá tốt về sức khỏe và nhiều kinh nghiệm trekking hành xác kiểu thế này.
Hoa dã quỳ mọc dọc đường từ Tà Hine vào Tà Năng
Mưa khiến cho việc xuất phát không sớm như dự kiến, cây cầu bị ngập, từ ngã 3 Tà Hine, xe ôm chở 2 đứa đi vòng qua vài cung đường để tìm đến điểm tập kết, nhưng đường quá lầy và mưa, chiếc xe gắn máy cũng chào thua. 2 đứa lững thững mặc áo mưa, mang Balô hướng về điểm đầu tiên của cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng: Nhà hoa giấy.
Điều đáng sợ số 1 của cung trekking Tà Năng – Phan Dũng này chắc có lẽ là đi lạc, và tôi đã đi lạc ngay từ phía đồng lúa đầu tiên sau khi vượt qua nhà hoa giấy… chỉ đi nhầm đường sau vài phút không để ý, tôi đi lệch dần so với đường vẽ trên tracklog được lưu trên Maps. Mà khổ nỗi, từ cái đường đi lộn quay về đường chính thì xa, tôi quyết định sẽ cắt ngang đồng lúa theo đường chim bay, và tôi gặp trở ngại là con suối ngoằn nghèo sâu lút đầu và chảy xiết chia cắt.
Loay hoay mãi thì cũng gặp may khi được một cô chăn bò gần đó chỉ đường vượt suối qua chiếc cầu khỉ nhỏ của những người chăn bò, tôi mất hơn 30 phút lòng vòng vô ích.
Tà Năng mùa này đường lầy và đầy trơn trượt, suối thì lớn và nước sâu, không dễ dàng lắm cho việc vượt qua những con suối mùa này và những con dốc cao.
Đi 2 người nhưng tiến độ chậm hơn thật nhiều so với lần năm 2015. Tôi vừa đi vừa thở, gần 2 tháng chưa đi trekking ở đâu, lần này lại mang cả một Balô nặng trĩu với đủ thứ đồ.
Nghỉ trưa tại đỉnh một con dốc, bóc vội chiếc bánh chưng ăn lấy sức kèm với chà bông, tôi gặp 2 đoàn bỏ cuộc quay về lại Tà Năng, không tiếp tục đi Phan Dũng vì thời tiết xấu, đêm qua trên này mưa tầm tã và gió giật tung lều, không thể đốt lửa được. Ai cũng khuyên tôi quay về, đi cung này giờ này đã khó, tôi lại chỉ có 2 người. Chuyện đúng là chẳng đơn giản chút nào.
Rừng thông cực đẹp tại Tà Năng
Đâm lao rồi cũng theo lao, người ta đi được thì mình đi được, dù có đôi lúc tôi cũng tự cho mình suy nghĩ sẽ quay ngược về Tà Năng, khi cảm thấy thời tiết quá xấu và sức khoẻ không ổn. May mắn là điều ấy không xảy ra. Ra khỏi những cánh rừng thông, với những cây thông cao vút, vượt qua những con dốc cao và lầy lội, những đồi cỏ đặc trưng của Tà Năng hiện ra, nhưng hôm nay, nó mờ mờ ảo ảo trong sương mù dày đặc… nỗi thất vọng bao trùm, không lẽ chuyến đi này chỉ được như vậy thôi sao? những thứ đẹp nhất ở Tà Năng hôm nay sao lại xấu thế này 🙁 🙁
16h, trời ngớt mưa, chọn được 1 điểm khá bằng phẳng và thông thoáng, tôi quyết định dừng chân, dựng lều để nghỉ ngơi, ngày hôm nay như vậy là đủ rồi. Kinh nghiệm nhiều lần trekking cho tôi thấy là nên nghỉ ngơi sớm trước khi trời tối, đặc biệt là với cái thời tiết ẩm ương thế này.
Tối nay chúng tôi ăn món cá Saba nướng giấy bạc, vật lộn mãi với đống củi ướt, nhặt được ít than của mấy nhóm đi trước, cũng ướt nốt…. chúng tôi cũng có một bữa tối ngon lành, có thêm dưa leo, bánh mỳ và chà bông…
Cái lạnh lạnh của rừng, lâu lâu lại từng cơn mưa và gió hú, chiếc lều của tôi lại không chống được nước tốt, tôi ướt hết gần hết đồ đạc. Nhưng dường như đó là những cơn mưa cuối cùng của đợt áp thấp, vì ngày hôm sau chúng tôi lại đi với một thời tiết đẹp tuyệt vời. Sáng sớm, khi tiếng chim hót vang,  mở cửa lều, khung cảnh mở ra trước mắt tôi là những đám mây nhỏ len lỏi dưới từng hẻm núi dưới thung lũng, không khí lạnh và trong lành được hít sâu vào lồng ngực… với những người yêu thiên nhiên và dã ngoại, đây chắc hẳn là một cảm giác tuyệt vời.
Ăn vội gói mỳ và thu dọn đồ đạc, không quên đốt và gom rác, chúng tôi bước vào hành trình ngày thứ 2. Hôm nay chắc hẳn sẽ khá khó khăn vì đồ đạc bị ướt, nặng thêm, chân và vai cũng mỏi rồi. Sự nuối tiếc của ngày đầu tiên khi không nhìn thấy được những ngọn đồi “đặc sản” của Tà Năng hôm nay không còn nữa, đường đi hôm nay khá đẹp với thời tiết không nắng không mưa. Điều này khiến cho việc trekking dễ dàng hơn vì không mất quá nhiều nước cũng như sức lực.
Chúng tôi hôm nay có thêm bạn đồng hành, đó là nhóm các anh chị của một nhóm Runner – chạy bộ, là những người có sức khoẻ tốt vì có thói quen chạy bộ nhiều km hàng ngày, lại chẳng phải mang theo đồ đạc gì nhiều, chúng tôi nhanh chóng bị vượt mặt.
Đoàn người đi lên từng đỉnh đồi ở Tà Năng
Rừng Phan Dũng vẫn như lần trước tôi đi, có chăng là cỏ cao hơn và rác nhiều hơn. Đường mòn vẫn nhiều ngã rẽ, nhưng bớt lo lắng đi lạc hơn rồi, vì đã được đánh dấu đường đi bởi nhiều nhóm trekking, và rác nằm rải rác dọc đường.
Đánh dấu đường ở rừng Phan Dũng
Nhiều người cứ nói chỉ cần đi Tà Năng, không cần xuống Phan Dũng vì chẳng có gì đẹp, tôi thì không cho là như vậy. Rừng Phan Dũng hay lắm chứ, đi dưới Phan Dũng cứ như lạc vào một mê cung với đường ngang lối dọc. Phía trên là những tán lá rộng, phía dưới đường đi là những trảng có tranh hay trúc bụi xanh ngắt sau mưa… thỉnh thoảng lại phải vượt qua những con suối nước trong vắt chạy róc rách dưới chân hay xuyên qua những đoạn đường đầy cát và sỏi trắng. Tôi vẫn thích Phan Dũng và tự nhủ rằng sẽ có dịp trekking từ Phan Dũng, ngược dòng suối để về thác Yaly, rồi lên Tà Năng.
Về đến Phan Dũng lúc 16h30, chị bán nước vẫn nhận ra tôi sau hơn 1 năm. Đợt này chị cất nhà rồi và cũng có nhiều khách ghé uống nước hơn. Anh em thanh niên dân tộc ở Phan Dũng cũng có thêm chút thu nhập từ việc chạy xe ôm đón khách từ bìa rừng về trung tâm xã. 21h, sau khi đi ké xe của những người bạn mới quen về thị trấn Liên Hương, tôi kết thúc chuyến quay lại Tà Năng – Phan Dũng sau 2 ngày, khoảng 35km, với vẫn còn nhiều ray rứt. Cung đường trekking Tà Năng – Phan Dũng giờ nhiều rác quá… nơi đây là địa điểm, là sân chơi để mọi người được trải nghiệm, khám phá… nhưng ý thức của các bạn còn kém nhiều quá… cứ mỗi cuối tuần, nếu thời tiết đẹp, tôi nghe nói có khoảng 200 người trekking cung đường này, không chỉ các bạn phượt, mà cũng nhiều công ty du lịch cũng đã đem vào khai thác… chỉ mong mỗi người nâng cao thêm 1 chút ý thức, có trách nhiệm hơn với môi trường… để rồi Tà Năng – Phan Dũng sẽ không trở thành một “bãi rác” Bà Đen thứ 2.
]]>