javascript:void(0);

Nhập thông tin bạn cần tìm ở đây nhé!

Mình mang gì đi trekking Everest Basecamp? Kinh nghiệm du lịch Nepal.

Thông tin về chuyến trekking Everest Base Camp

Nằm ở Nepal, Everest Base Camp là cung đường trekking nổi tiếng và thu hút những người yêu thích leo núi và sự chinh phục. Hàng năm có rất nhiều khách du lịch khắp thế giới chọn Nepal để leo núi và Everest Base Camp là cung đường nổi tiếng nhất, bên cạnh những cung đường khác như ABC… Nhiều người nhầm tưởng rằng đi trekking Everest Base Camp là lên đỉnh cao nhất thế giới. Nhưng thực tế không phải vậy, đây chỉ là 1 điểm cắm trại, với độ cao 5.800m… là điểm cắm trại cho các nhà leo núi chuyên nghiệp làm quen khí hậu, thời tiết khắc nhiệt trước khi chinh phục đỉnh Everest. – Thời gian trekking cung Everest Base Camp là 10 ngày đến 15 ngày trong đó lịch trình thường được thiết kế cho mọi người là 12 ngày như sau:

Lịch trình tham khảo trekking Everest Base Camp2 ngày thứ 2 và thứ 4 là những ngày dành ra để cho mọi người quen với độ cao, tránh những trường hợp đuối sức hoặc sốc độ cao. Bạn có thể bỏ qua 2 ngày nay nếu cơ thể đủ thích ứng.

Chuyến đi này là chuyến đi xa nhất, tốn thời gian chuẩn bị và nhiều chi phí nhất. Do đó bài viết này để chia sẻ kinh nghiệm của mình dành cho bạn nào đang có ý định chinh phục tham khảo. (Vì bài viết này được viết trước khi đi, do đó đồ đạc sẽ có cái thiếu, có cái thừa, có cái hiệu quả, có cái không. Do đó mình sẽ có bài review hoàn thiện sau chuyến đi).

Chuẩn bị đồ đạc cho trekking Everest Base Camp:

1. Giấy tờ, xin Visa nhập cảnh Nepal:

Vì Nepal là đất nước cho phép cấp VISA cho người Việt Nam tại sân bay, do đó không phải chuẩn bị quá nhiều thứ như visa Hàn Quốc, visa Đài Loan. Bạn chỉ cần:

– Hộ chiếu còn hạn 6 tháng.

– Ảnh thẻ nền trắng 4×6: để phục vụ cho việc đăng ký SIM…

– Form nhập cảnh phát trên máy bay hay đăng ký online trước khi đi.

– Tiền để đăng ký visa: 25$ cho 15 ngày và 40$ cho 30 ngày.

Những thứ này mình cho vào 1 túi chống nước, đeo bên người, cùng với booking khách sạn, vé máy bay.

Form nhập cảnh và xin Visa vào Nepal được phát trên máy bay

2. Giày trekking

Đối với cung đường EBC, bạn nên chọn 1 đôi giày tốt, có khả năng giữ ấm và chống nước. Thường thì nên lựa chọn những đôi giày chuyên trekking cổ cao. Khi mua giày cũng nên mang rộng 1 size, để có thể mang tất dày hoặc tránh phồng rộp chân. Mình mang đôi Adidas Terrex, không ổn lắm ở những ngày trên cao, có tuyết… còn lại thì rất ok. Giày trekking có thể mua ở Nepal, nhưng tốt nhất theo mình nghĩ bạn nên mua sẵn ở Việt Nam, sử dụng cho quen chân trước khi đi. Di chuyển nhiều, bạn nên chọn tất có thể chia ra từng ngón chân để tránh rộp, mua thêm dự phòng. Mình mang tổng cộng 4 đôi tất ngón và 2 đôi tất bình thường.

3. Quần áo, trang phục leo núi:

Đi trekking dài ngày, nếu tính cả thời gian ở sân bay, ở Kathmandu bạn sẽ mất khoảng 16 ngày. Lại mang nhiều áo chống lạnh, do đó việc mang theo quần áo cũng rất nhiều và đau đầu.

– Áo: Để chống lại cái lạnh có lúc xuống -5 độ C ở EBC, mình dự định sẽ mặc áo chia làm nhiều lớp khác nhau trong đó:

• Lớp áo bó sát cơ thể trong cùng, có thể dùng áo heatech (Uniqilo, Tesla…) hay các loại áo bó sát hay dùng trong thể thao: cái này sẽ mặc 3 ngày/cái, mang tổng cộng 4 cái.  

 

 

• Lớp áo thun, mình chọn loại áo thun ngắn tay, chất liệu có thể hút nhiệt. Áo này mình cũng dùng để mặc khi không leo núi nên mang theo 5 cái.

• Lớp áo nỉ, mua ở Delcathon: 1 cái

• Lớp chống gió và thấm: cái này có thể mua ở các shop phượt, mua các loại 2 – 3 lớp của The North Face, Madfox (như cái mình đang dùng): 2 cái.

– Quần: tương tự như áo, quần cũng chia ra nhiều lớp để mặc trong 12 ngày đó. • Quần lót giấy: 12 cái, thay và bỏ hàng ngày. • Quần đùi bó sát giúp giữ nhiệt, mình dùng quần của Tesla.

• Quần ngoài cùng mình thường sử dụng là quần trekking, có khả năng chống thấm đồng thời có thể tháo ống để làm quần lửng hay giặt nhanh khô: 3 cái.

– Mũ nón: Mình mang theo 1 mũ lưỡi trai và dự kiến mua thêm 1 mũ giữ ấm ở Kathmandu, đủ để che tay và bảo vệ đầu.

– Mắt kính: Theo thông tin đọc được thì ánh nắng ở trên núi cao, đặc biệt khi phản chiếu và tuyết sẽ rất có hại cho mắt, gây chói và giảm thị lực. Do đó bạn nên chuẩn bị cho mình thứ này: kính râm, và có khả năng chống tia UV tốt, đồng thời lên hình cũng nhìn ngầu hơn. Tuy nhiên với những người bị cận như mình thì đeo kính này sẽ hơi khó chịu, nếu được nên sử dụng lại kính râm có độ để vừa tiện quan sát vừa bảo vệ mắt.

– Găng tay: tay lạnh dễ khiến khó chịu do đó cũng phải cực kỳ quan tâm đến việc giữ ấm đôi tay. Mình mang theo 1 đôi găng tay len dày có thể sử dụng cảm ứng điện thoại và 1 đôi găng tay nỉ. Tốt hơn, bạn nên sử dụng 1 đôi găng tay có khả năng chống gió, chống nước nữa.

– Gậy leo núi: mình mượn và mang theo 1 cặp gậy leo núi, có thể đi trong tuyết… mình ít dùng gậy cho các chuyến leo núi ở Việt Nam, nhưng mình thấy rằng có gậy sẽ giúp đỡ được phần nào lực và giúp cơ thể cân bằng tốt hơn.

– Khăn: để giữ ấm cổ và lau mồ hôi, đợt này mình mang theo 1 khăn rằn loại lớn và 3 khăn đa năng.

– Miếng dán giữ nhiệt: mình cũng chuẩn bị thêm miếng dán giữ nhiệt, loại có thể dán sau lưng áo khi ngủ hay đi trekking. Nhớ dán bên ngoài 1-2 lớp áo, không dán trực tiếp lên da để tránh bỏng. Và sau khi sử dụng, còn ấm ấm cũng có thể cắt nhỏ và để trong găng tay. Mình mang theo 10 tấm, mua ở Lazada.

3. Thuốc dự phòng:

– Thuốc sốc độ cao là thứ quan trọng mà nên chuẩn bị cho chuyến đi này. Theo nhiều người đi trước thì có thể sử dụng thuốc Diamox… được mua ở thủ đô Kathmandu, Nepal.

– Kem chống nắng: nên mang theo 1 lọ kem chống nắng loại dùng cho mặt, sbf 50 (cao nhất) vì trên đường trekking Everest Basecamp nắng sẽ rất độc.

– Thuốc cảm cúm, đau đầu, hạ sốt, đau bụng..: các loại thuốc cơ bản nên mua sẵn ở Việt Nam. Mình hay mang theo 1 lọ thuốc đau bụng Berberin, 1 vỉ Panadol, 5 viên Effaragan, 5 viên Strepsin, 1 lọ dầu cao, 1 hộp Băng cá nhân urgo.

– Ngoài ra mình cũng chuẩn bị thêm 1 vài viên điện giải để thêm muối cho cơ thể.

4. Đồ ăn:

Mặc dù đồ ăn ở trên đường trekking Everest Basecamp có ở các nhà nghỉ, tuy nhiên để bổ sung năng lượng trong khi trek, để đảm bảo ăn uống đầy đủ, tránh trường hợp không hợp khẩu vị của người Nepal, mình cũng phải chuẩn bị kha khá đồ ăn mang theo:

– Gu năng lượng: là loại thực phẩm bổ sung năng lượng cho các vận động viên chạy bộ, leo núi, đạp xe… có vị ngọt, dạng gel như mật ong. Khá tiện để sử dụng. Mình mua mang theo trên ifitness.vn khoảng 10 gói, với 4 vị khác nhau: caramel, socola, vani, trái cây.

– Socola: vì mang hơi nhiều gu, nên mình không chuẩn bị thêm quá nhiều socola như những chuyến trekking ở Việt Nam. Bạn có thể mua thêm Kitkat hay Sneacker (có đậu phộng dễ ăn)… mang theo.

– Chà bông, khô gà, cá kho đóng hộp: Vì thời gian leo núi kéo dài 12 ngày, càng lên cao nghe nói rằng đồ ăn khó ăn, nhiều cà ri, không có rau… nên mình chuẩn bị thêm 1 ít đồ ăn mặn mang theo. – 1 gói rong biển dạng sợi, có thể sẽ dùng để nấu canh cho đỡ ngán.

– Lương khô: mang dự phòng khi đói bụng: 3 gói.

5. Đồ công nghệ:

Mình chụp ảnh bằng điện thoại là chủ yếu, do đó trong chuyến đi này, cũng chuẩn bị kha khá thứ:

– 2 điện thoại, dùng để chụp ảnh và dự phòng, tránh trường hợp khi bị hư hay thiếu pin, thiếu bộ nhớ. Mình xài Galaxy Note 8 và Mobiistar Prime X Max (loại có 4 camera, giúp chụp selfie nhóm, xóa phông tốt cũng như pin khỏe).

– 1 Gopro Hero 5, để khi lại khoảnh khắc trên đường đi. Mang theo 1 bộ kẹp Gopro vào balo, để ghi lại khoảnh khắc khi di chuyển.

– 1 chân máy, gậy selfie Mefoto 3.0: đây là cây gậy khá hay, có thể làm chân máy cho điện thoại, gopro hay gậy selfie với 1 remote kết nối bluetooth giúp chụp hình từ xa.

– 1 bộ lens điện thoại để chụp góc rộng và macro.

– 3 cục pin dự phòng, 1 cục Anker 10.000, 1 cục Anker 26.000 và cục Veger 10.000: lưu ý sạc dự phòng phải mang trên hành lý xách tay, theo 1 số người chia sẻ là mỗi người chỉ được mang tối đa 2 cục sạc dự phòng, tối đa 20.000mah. Tuy nhiên khi mình mang qua Hải quan Tân Sơn Nhất, bị hỏi lại nhưng vẫn cho qua bình thường.

– Cáp, sạc cho các thiệt đầy đủ. Mình mang 1 cục sạc nhanh Anker 2 cổng cùng lúc, và dây sạc đa năng của Samsung, chia ra làm 4 đầu sạc khác nhau cho nhiều thiết bị. Khá tiện. Những đồ công nghệ này phải bỏ trong túi nilon hay chống nước để đảm bảo an toàn nhé.

6. Balo, túi xách:

Tương tự như bài viết mình chia sẻ về những vật dụng cần thiết cho 1 chuyến leo núi, trekking… nhưng vì có chút đặc thù về khí hậu, thời gian trekking nên cần lưu ý vài điều sau khi chọn balo.

Bạn cần mang 2 balo, túi xách:

– 1 balo leo núi loại tốt để mang theo leo núi hàng ngày: có trợ lực hông, ngực… bạn sẽ mang khoảng 5-10kg những vật dụng cần thiết như: áo lạnh, đồ ăn uống, tăng lực, đồ ăn nhẹ, sạc pin điện thoại, máy ảnh… mình dùng balo Osprey 38L, sẽ hơi lớn, bạn chỉ cần balo 25 – 30L. Balo này cũng là vật dụng mang thường xuyên, do đó nên lựa chọn loại có màu sắc, kiểu dáng đẹp, nổi bật khi chụp ảnh với những ngọn núi tuyết ở Nepal.

– 1 balo hay túi trống để gửi porter: trang phục leo núi, túi ngủ, đồ ăn ít sử dụng… hoặc những thứ không cần thiết khác. Túi này khoảng 10-15kg, tùy vào porter. Nhóm mình thuê 2 người 1 porter mang khoảng 25kg. Mình sử dụng túi chống nước 30L, loại thường dùng để đi biển.

Cách đóng gói đồ khi trekking Everest Base Camp:

Đồ đạc nhiều nhất trong chuyến đi là quần áo. Do đó mình sẽ được chia ra sẵn theo các set để sử dụng, gói trong túi nilon, khóa zip, mỗi set sẽ được thay mới trong khoảng 3 ngày, gồm có: – 1 áo bó sát người. – 1 áo thun. – 3 quần lót giấy. – 1 quần bó. – 1 tất chia ngón. – 1 khăn đa năng.

Ngoài ra quần trekking, áo khoác, găng tay… cũng bỏ riêng từng túi nilon tách biệt.

Đồ ăn và dụng cụ vệ sinh cơ thể, cũng chia ra: những thứ nào sử dụng thường xuyên: 1 túi (1 khăn giấy ướt, 1 khăn giấy khô, kem đánh răng, dao cao râu, kem chống nắng, thuốc…) và 1 túi những thứ chưa sử dụng ngay.

Đồ ăn tăng năng lượng, đồ ăn vặt trong ngày đầu tiên: để trong 1 túi, đồ ăn dự trữ: 1 túi riêng.

Vì bay quá cảnh tại Malaysia, nên hành lý ký gửi của bạn sẽ trung chuyển thẳng qua máy bay đi Kathmandu. Nên những vật dụng cần thiết để sử dụng trong thời gian quá cảnh (như mình là 16 tiếng) cần mang trong hàng lý xách tay như: giấy tờ, sạc dự phòng, đồ công nghệ, vệ sinh cơ thể… và ít đồ ăn vặt.

Ở sân bay quá cảnh KLIA2, có chỗ ngủ và tắm, do đó bạn nhớ mang túi ngủ, và có thể cả quần áo để thay. Tất cả những thứ còn lại, bỏ sẵn vào hành lý ký gửi, nhận tại sân bay Kathmandu sau.

Trong ngày đi trekking Everest Base Camp, mình sẽ mang 1 balo và gửi porter 1 túi xách.

Mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, đặt sẵn dịch vụ ở Nepal:

– Vé máy bay đi Kathmandu, Nepal phải đi 2 chặng, transit ở Bangkok hay Kuala Lumpur với giá từ khoảng 400$-600$ khứ hồi của AirAsia, Malaysia Airline… nếu có kế hoạch sớm, bạn có thể book vé để có giá rẻ. Sau khi đến Nepal, bạn cần bay thêm 1 chuyến bay từ Kathmadu qua Lukla của hãng Yeti Airline, đây là loại máy bay nhỏ, và giá vé thường là cố định: khoảnh 368$ khứ hồi. Nghe nói là chuyến bay này sẽ cực kỳ thú vị vì là máy bay cánh quạt, sẽ bay qua dãy Hymalaya với nhiều núi tuyết.

– Đặt phòng ở Kathmandu, bạn có thể search các nhà nghỉ với giá khá phải chăng: khoảng 10$/đêm cho 2 người. Dùng booking hay Airbnb để tìm kiếm Bạn có thể tham khảo Bài viết về hướng dẫn cách chọn phòng giá rẻ, chất lượng. Cũng có thể tiết kiệm bằng cách đặt phòng trên booking.com nhận lại 15$ khi tạo tài khoản qua link: https://lexuancuong.com/booking hay nhận 35$ để đặt phòng trên Airbnb qua link: https://lexuancuong.com/airbnb-35usd

– Đổi tiền ở Nepal để sử dụng: vì Nepal sử dụng đồng Rupeee, do đó bạn chuẩn bị sẵn USD (đổi ở Việt Nam, tham khảo bài: cập nhật tỷ giá và địa điểm đổi ngoại tệ). Đổi 1 ít tiền Rupeee ở sân bay Kathmandu để mua sim 4G, sau đó về khu trung tâm đổi để có giá tốt hơn.

– Đặt xe đón tại sân bay: giống như chuyến du lịch Phuket, Koh Phi Phi hồi đầu năm, lần này mình sử dụng dịch vụ đưa đón sây bay ở Klook, nhóm đi 7 người nên sẽ book 1 chiếc minivan, loại có thể chở 5-10 người. Mình cũng đặt sẵn luôn xe đón đi vào sáng hôm sau bay ra chân núi và khi bay về sau khi trekking xong.

– Bảo hiểm: nhóm mình đặt bảo hiểm AIG, với mức bồi thường cao nhất là 3 tỷ (tử vong), chi phí cho gói 18 ngày là khoảng 1tr1. Bảo hiểm AIG là bảo hiểm được nhiều nhóm đi trước sử dụng, và đã gọi trực thăng cứu hộ chở về khi bị chứng sốc độ cao khi leo Everest Base Camp.

Liên hệ trekking Everest Base Camp ở đâu? Chi phí trekking EBC như thế nào?

Hiện nay có nhiều người Việt Nam chọn EBC, ABC để thử thách bản thân mình. Và cũng có nhiều tour được thiết kế trọn gói từ Việt Nam hay đón ở Kathmandu, với đầy đủ giấy phép, bảo hiểm, porter, ăn uống, nghỉ ngơi trong suốt thời gian trekking. Hay đặt trên Klook với giá: Vì mình đi tự túc, nên phải tự book vé, đặt phòng, chuẩn bị bảo hiểm… và liên hệ tourguide, porter trong chuyến đi.

– Chi phí cho tourguide tiếng Anh sẽ khoảng 25$/ngày và porter là 20$/ngày (vác khoảng 20-30kg đồ cho 2 người).

– Chi phí nhà nghỉ khoảng 2, 4, 5$/đêm. Ăn uống cũng tương tự.

– Giấy phép leo núi, vé tham quan (tim & permit): 50$ Ngoài ra các chi phí ăn uống, tips sẽ khoảng 5$/ngày. Việc đi tự túc này giúp tiết kiệm sẽ có nhiều rủi ro hơn đi các tour trọn gói, do đó bạn phải cân nhắc khi chọn hình thức nào. Đây là contact bạn guide mà mình đã đi cùng mình, rất ổn nhé mọi người: https://www.facebook.com/gyurmey.sherpa

Liên hệ mình nếu bạn cần tư vấn thêm: m.me/cuongblog

Chuẩn bị sức khỏe và tinh thần cho chuyến trekking Everest Base Camp:

Leo núi là 1 hành trình thú vị, leo núi dài ngày, lại ở 1 nơi xa nhất từng đi… chắc hẳn là 1 trải nghiệm thú vị, nhưng cũng không kém phần lo lắng. Mình nhìn thấy nhiều bạn nữ Nhân viên văn phòng chinh phục thành công, nhưng cũng có những anh em dân leo núi kỳ cựu ở Việt Nam đã bị chứng say độ cao và quay về bằng trực thăng. Hành trình trekking Everest Base Camp chắc chắn cũng sẽ rất cần sứ khỏe tốt, do đó nhớ tranh thủ thời gian để tập luyện bằng cách chạy bộ, bơi lội hay leo cầu thang… mình mặc dù hay đi leo núi nhưng những ngày sắp đi cũng tranh thủ đi bơi, và tập chạy marathon ở giải Dalat Ultra trail ở cự ly 21km. Với chuyến đi này, mình đọc rất nhiều bài review, nhận nhiều lời động viên cũng như cho mượn đồ đạc để sử dụng, giúp tiết kiệm kha khá chi phí. Mong cho chân cứng đá mềm, chinh phục thành công mỹ mãn để đặt tiếp những mục tiêu cao hơn, xa hơn.

Cường Lỳ

Cường Lỳ - trai 9x, thích du lịch & chia sẻ về du lịch!

Recent Posts

8 App Du Lịch Giúp Bạn Lên Lịch Trình Đơn Giản

Để có một chuyến du lịch hoàn hảo, bạn sẽ phải lên kế hoạch chu…

2 năm ago

Review đặt vé máy bay trên Traveloka chi tiết

Vì đặc thù công việc nên mình cũng hay phải nay đây mai đó, và…

2 năm ago

Mặc gì khi đi du lịch Nhật Bản để có ảnh “sống ảo” xịn nhất

Xứ sở hoa anh đào với cảnh sắc đẹp như tranh vẽ chính là điểm…

2 năm ago

Giúp bạn chuẩn bị hồ sơ xin visa du lịch Úc đầy đủ, chỉn chu

Úc là xứ sở của những những công trình kiến trúc độc đáo như nhà…

2 năm ago

Affiliate là gì? Kiếm tiền Từ tiếp thị liên kết như thế nào?

Nếu như bạn đã từng nghe đến khái niệm Kiếm tiền từ Affiliate hay Tiếp…

4 năm ago

“Bí kíp” bạn phải nằm lòng khi đi du lịch Lý Sơn.

“Bí kíp” bạn phải nằm lòng khi đi du lịch Lý Sơn. Đảo Lý Sơn…

4 năm ago