4 cực 1 đỉnh, người Việt Nam nào cũng sẽ muốn đặt chân đến 1 lần trong đời

Là người Việt Nam, từ những phượt thủ rong ruổi trên các dặm đường cho đến người không đam mê du lịch, ai cũng đều có 1 mong muốn 1 lần được đặt chân đến 4 cực 1 đỉnh? Trải khắp bản đồ đất nước, 5 địa danh này không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên đẹp sững sờ, ẩm thực địa phương độc đáo, mà còn là nơi đánh dấu chủ quyền lãnh thổ không thể xâm phạm của đất nước.

4 cực 1 đỉnh - thu hút những người yêu thích du lịch khám phá. Cực Bắc: Lũng Cú. Cực Nam: Cà Mau Cực Tây: A Pa Chải Cực Đông: Mũi Đôi Đỉnh Fansipan 3143m.
4 cực 1 đỉnh – thu hút những người yêu thích du lịch khám phá.
Cực Bắc: Lũng Cú.
Cực Nam: Cà Mau
Cực Tây: A Pa Chải
Cực Đông: Mũi Đôi
Đỉnh Fansipan 3143m.

1.Cực Bắc – cờ Tổ quốc phấp phới giữa biên cương Lũng Cú.

Hà Giang từ lâu đã là điểm đến đầy hấp dẫn thu hút những người yêu thích du lịch. Hà Giang đẹp mọi mùa trong năm, khách du lịch yêu Hà Giang bởi những cung đường đèo đi-mãi-không-đến, những vách núi đá trùng trùng điệp điệp, ngắm nhìn cánh đồng ruộng bậc thang rực vàng mùa lúa chín hay những thửa hoa tam giác mạch…

Hà Giang mùa lúa chín
Hà Giang mùa lúa chín


Và đặc biệt hơn khi đến với mảnh đất Hà Giang, không ai có thể bỏ qua cột cờ Lũng Cú, nơi được xem như là điểm địa đầu cực Bắc của Tổ Quốc, nơi trước đây chúng ta chỉ được nghe nhắc đến trong sách vở (thực tế trên bản đồ, điểm cực Bắc nằm ở trên dòng Nho Quế – để đi đến cần có sự cho phép và hướng dẫn của Bộ đội biên phòng Lũng Cú).

Cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, được xem như là cột mốc Cực Bắc Việt Nam.
Cột cờ Lũng Cú – Hà Giang, được xem như là cột mốc Cực Bắc Việt Nam.


Cột cờ Lũng Cú được xây dựng mới trên đỉnh núi cao khoảng 1470m vào năm 2010. Cột cờ có tổng chiều cao khoảng 33.15m và lá cờ có diện tích 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, luôn tung bay và sừng sững nơi biên cương. Leo lên đến cột cờ Lũng Cú, cũng mất khá nhiều thời gian leo bậc tam cấp, nhưng khi được đứng dưới lá cờ Tổ Quốc, ngắm nhìn biên cương Tổ Quốc trùng trùng điệp điệp, ngắm nhìn những thửa ruộng lúa đang độ chín vàng sẽ làm cho bao nhiêu khó khăn tan biến, chỉ còn cảm giác thêm yêu đất nước và vùng đất này.

Sông Nho Quế chạy dọc đèo Mã Pí Lèng trên đường phượt Hà Giang
Sông Nho Quế chạy dọc đèo Mã Pí Lèng trên đường phượt Hà Giang


Để đi đến cột cờ Lũng Cú, từ Thành phố Hà Giang, mọi người thường sẽ chọn phương tiện xe máy, chạy theo con đường quốc lộ 4C, ngược dòng sông Lô về hướng Bắc. Và trong chuyến khám phá Hà Giang, Lũng Cú, cũng đường quên dừng chân lại ngắm nhìn Núi Đôi Quản Bạ, kiệt tác của thiên nhiên – nơi mang trong mình câu chuyện về tình yêu của chàng trai dân tộc Mông và nàng tiên xinh đẹp. Nghỉ ngơi ở đồi thông Yên Minh, đồi thông kéo dài hàng chục km, mờ trong sương sớm, quanh những con đường ngoằn nghèo, làm con người ta nghĩ đến ngay Đà Lạt thứ 2 nơi đây. Đi qua con đường “Hạnh phúc” – thắng cảnh Mã Pí Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc – những con đèo hiểm trở và khó khăn nhất. Cũng đừng quên ghé phố cổ Đồng Văn, ăn thắng cố hay miếng bánh Tam Giác Mạch, món bánh chỉ có ở Hà Giang, mà không thể tìm được nơi nào khác.

Núi đôi Quản Bạ - Hà Giang
Núi đôi Quản Bạ – Hà Giang

2. Về Miền Tây thăm điểm cực Nam: Mũi Cà Mau

Mũi Cà Mau nằm các thành phố Cà Mau hơn 100km về hướng Nam, sau khi đến thành phố  Cà Mau bằng máy bay hay xe khách, bạn sẽ phải mất thêm 1 khoảng thời gian để đi về huyện Năm Căn để tiếp tục di chuyển bằng đường thuỷ ra khu du lịch Đất Mũi, nơi được xem như điểm cực Nam của Tổ quốc, và được xây dựng 2 biểu tượng thu hút khách du lịch, ai cũng muốn được đặt chân đến là mốc tọa độ quốc gia (GPS 0001) và biểu tượng mũi Cà Mau với hình con tàu lướt sóng hướng ra biển.

Mốc toạ độ quốc gia, được xem như điểm cực Nam ở Cà Mau, Việt Nam.
Mốc toạ độ quốc gia, được xem như điểm cực Nam ở Cà Mau, Việt Nam.


Hiện nay, đã có đường bộ, có thể sử dụng xe máy để đi thẳng ra điểm cực, nhưng trước đây, bạn phải mua vé cano hoặc thuê tác ráng (loại đò nhỏ ở miền Tây), lênh đênh trên sông hơn 2 tiếng đồng hồ mới ra đến điểm cực. Thời tiết mùa hè nắng cháy người, nhưng những điều mới lạ của rừng ngập mặn luôn có sự cuốn hút khó cưỡng. Đặc biệt sẽ cực kỳ thú vị nếu như ai đã từng xem phim “Đất Phương Nam”, thì đừng quên leo lên đài quan sát để ngắm toàn cảnh vùng đất phía Nam của Tổ Quốc.


Bạt ngàn rừng đước và mênh mông sông nước, đặt chân đến đây, chắc hẳn bạn sẽ thêm hạnh phúc và tự hào. Và cũng đừng quên thưởng thức những món ăn ngon, đậm chất miền Tây để chuyến đi thêm đáng nhớ.

3. Cực Tây A Pa Chải, một con gà gáy ba nước nghe

Nếu trong 4 điểm cực Đông Tây Nam Bắc thì nơi để lại nhiều cảm xúc với mọi người nhất có lẽ là điểm Cực Tây A Pa Chải, nằm ở xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên.

Điểm cực Tây A Pa Chải tại Điện Biên, ngã 3 biên giới.
Điểm cực Tây A Pa Chải tại Điện Biên, ngã 3 biên giới.


A Pa Chải cũng là nơi đặt cột mốc ngã ba biên giới, nơi mà “một con gà gáy ba nước nghe”, đánh dấu biên giới lãnh thổ ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc – đồng thời cũng là điểm cực Tây trên đất liền Việt Nam. Cột mốc số 0 – được xây bằng đá hoa cương khoảng cao 2 mét có 3 mặt, mỗi mặt có khắc tên nước và quốc huy của mỗi quốc gia.

Cột mốc bằng đá hoa cương trên ngã ba biên giới A Pa Chải
Cột mốc bằng đá hoa cương trên ngã ba biên giới A Pa Chải
Đường trekking lên đỉnh núi A Pa Chải khá dốc và đuối sức.
Đường trekking lên đỉnh núi A Pa Chải khá dốc và đuối sức.


Đường đi A Pa Chải đầy khó khăn, thử thách đối với cả những người nhiều kinh nghiệm. Nhưng chắc chắn rằng chung đường đến A Pa Chải sẽ luôn đẹp như bao cung đường Tây Bắc khác. Tôi đến A Pa Chải vào mùa mưa 2016, khi Tây Bắc đang vào mùa mưa và có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Từ Sa Pa, mất 2 ngày đường chạy xe máy, qua Mường Tè, Pắc Ma… vượt không biết bao nhiêu con đèo và điểm sạt lở, mới đến được đồn biên phòng A Pa Chải, nơi quản lý và cấp phép tham quan cột mốc số 0 A Pa Chải.

Cung đường Chà Cang - Mường Lay chìm trong mây
Cung đường Chà Cang – Mường Lay chìm trong mây


Hiện nay con đường tham quan cột mốc đang được xây dựng khang trang, tuy nhiên sau khi hết đường xe máy, bạn vãn phải tiếp tục men theo con đường mòn lên núi Khoan La San cao 1864m so với mực nước biển, nơi đặt cột mốc với khoảng 2 tiếng đi lên dốc liên tục.
Và khi đặt chân lên điểm cực Tây, Chắc chắn bạn sẽ không tiếc thời gian và công sức mình bỏ ra cho chuyến đi này. Điểm cực Tây có lẽ là điểm khó đi nhất trong 4 điểm cực. Chinh phục cực Tây, bạn sẽ muốn quay lại Tây Bắc thêm nhiều lần nữa, để ngắm nhìn những bản làng còn ngủ yên trong sương sớm, những con đường ngoằn nghèo vắt ngang đỉnh núi, những đứa bé với 2 má ửng hồng…

4. Cực Đông nơi ngắm ánh bình minh trên đất liền Việt Nam

Từ lúc được biết đến thì những tranh cãi đâu mới là điểm cực Đông Viêtn Nam giữa 2 Mũi Điện (Phú Yên), và Mũi Đôi (Khánh Hoà) hiện nay vẫn đang diễn ra sôi nổi. Dù cho điểm nào là cực Đông đi chăng nữa, thì cả 2 điểm đến này thì vẫn chắc là điểm đến hấp dẫn và đầy thu hút với mọi người.
Mũi Điện hay còn gọi là mũi Đại Lãnh nằm ở huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Du lịch Mũi Điện hiện nay đã được đầu tư quản lý, thu vé, xây dựng đài quan sát, chòi nghỉ… đến Mũi Điện hôm nay, bạn có thể kết hợp thăm điểm cột mốc, hải đăng Đại Lãnh hay tắm biển ở Bãi Môn.

Mũi Điện, điểm được tỉnh Phú Yên xem là cực Đông của đất liền Việt Nam.
Mũi Điện, điểm được tỉnh Phú Yên xem là cực Đông của đất liền Việt Nam.


Hải đăng Đại Lãnh được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, có tác dụng quan trọng trong giao thông hàng hải, và là một trong những hải đăng nổi tiếng nhất Việt Nam. Ngọn đèn từ hải đăng  Đại Lãnh cũng như những hải đăng khác, sẽ kết hợp có tác dụng dẫn đường, xác định vị trí cho tàu thuyền khi di chuyển vào ban đêm.

Hải đăng mũi Đại Lãnh, một trong những ngọn hải đăng đẹp nhất Việt Nam.
Hải đăng mũi Đại Lãnh, một trong những ngọn hải đăng đẹp nhất Việt Nam.


Khối nhà đèn có thiết kế hình trụ tròn, sơn trắng, độ cao 26.5m và nằm trên đỉnh núi có độ cao khoảng 110m so với mực nước biển. Bên trong hải đăng là cầu thang xoắn ốc bằng gỗ đẹp mắt. Đến hải đăng, nhớ phải leo lên đỉnh hải đăng để có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng biển Bãi Môn và điểm cột mốc “Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”.
Sau khi tham quan hải đăng và cột mốc, thì cũng đừng quên tắm biển Bãi Môn, một trong những bãi biển sạch đẹp nhất… nơi đây có bãi cát vàng, nước có màu xanh ảo diệu và dòng suối chảy từ trong đất liền ra biển.
Mũi Đôi – Hòn Đầu, được dân phượt yêu thích hơn, vì theo những đo đạc bởi toạ độ và google maps, nơi đây có nhích ra ngoài biển Đông chút so với Mũi Điện. Bên cạnh đó, việc đi đến mũi Đôi, từ lâu cũng được xem là một hành trình đầy thử thách và khó khăn.

Mũi Đôi – điểm cực Đông của đất liền Việt Nam.


Để đơn giản, bạn có thể thuê tàu để đi ra, nhưng đa phần những bạn trẻ đều lựa chọn trekking, cung đường trekking với nhiều dạng địa hình và cảnh đẹp khác nhau. Từ Đầm Môn, phải vượt qua những đồi cát cao, khoảng 12km đường trekking xuyên rừng và nhảy ghềnh mới có thể đến được chóp inox cực Đông, chặng đường này không quá dài những chắc chắn sẽ cực kỳ ngốn nhiều sức lực của các thành viên.

Vượt đồi cát, thử thách trên cung đường trekking cực Đông.
Vượt đồi cát, thử thách trên cung đường trekking cực Đông.
Trekking cực Đông, hành trình đáng nhớ.
Trekking cực Đông, hành trình đáng nhớ.


Biển cực đẹp, những ghềnh đá đầy thử thách, kèm với cảm giác háo hức được chạm tay vào chóp inox, vào điểm cực Đông của Tổ quốc chắc chắn sẽ giúp bạn xua tan đi mọi thứ mệt mỏi của chặng đường đã qua.

  • Tham khảo: Hướng dẫn trekking mũi Đôi – điểm cực Đông trên đất liền Việt Nam.

5. Đỉnh Fansipan 3143m – Nóc nhà của Đông Dương:

Với độ cao 3.143m so với mực nước biển, Fansipan là đỉnh núi cao nhất Đông Dương nằm ở tỉnh Lào Cai. Được chạm tay vào cột mốc inox, đứng trên dãy Hoàng Liên, ngắm nhìn núi rừng hoang sơ… là ao ước của không chỉ của những người con đất Việt.

Chinh phục đỉnh Fansipan năm 2013 trong cái lạnh 10 độ C.
Chinh phục đỉnh Fansipan năm 2013 trong cái lạnh 10 độ C.


Cung đường trekking, leo núi Fansipan ngắn nhất là hướng Trạm Tôn – đỉnh Fansipan – Trạm Tôn với độ dài khoảng 24km, bạn có thể đi trong 1-2 ngày đi bộ và leo vách đá liên tục. Với những người yêu thích trekking, thì cung đường Fansipan không quá khó nhưng cũng là một cung đường đẹp, bạn vừa phải đi dọc theo những dòng suối, vừa ngắm nhìn những lá phong, hoa đỗ quyên nhiều màu sắc… Cảm giác thức dậy sớm, lên đỉnh núi ngắm nhìn hoàng hôn, mặt trời ló dần sau làn mây trắng xoá chắc hẳn sẽ rất khó quên.

Hành trình chinh phục Fansipan vượt qua nhiều suối, dốc cao… và những khu rừng đẹp nguyên sơ.
Hành trình chinh phục Fansipan vượt qua nhiều suối, dốc cao… và những khu rừng đẹp nguyên sơ.


Hiện nay, đã có cáp treo lên đỉnh Fansipan, nhưng vẫn còn rất nhiều bạn trẻ lựa chọn việc trekking, đi bằng chính đôi chân của mình, chạm tay vào đỉnh núi nhiều ý nghĩa này.

Hành trình 4 cực một đỉnh là một hành trình rất dài, từ Nam ra Bắc, để chinh phục cần có sức khoẻ và một tinh thần tốt… và mất nhiều năm để thực hiện. Đến với mỗi điểm cực, hay đỉnh núi cao nhất Việt Nam… mỗi con người Việt Nam sẽ đều mang trong mình một sự tự hào, những con người chạm tay vào những cột mốc này đều có những cảm xúc khác nhau, những bức hình chụp tại đây luôn rực màu cờ đỏ. Và nếu như bạn có cơ hội và điều kiện, hãy thử nhé.

Bạn nào đang có ý định phượt các cung này hoặc du lịch ở Việt Nam mhớ ghé qua Blog Du Lịch của thằng em nhé: https://phuot3mien.com. Khá nhiều bài viết hay ho & chi tiết!

Viết một bình luận