Kinh nghiệm du lịch Hà Giang đầy đủ & chi tiết

Hà Giang, mảnh đất miền biên viễn, nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ Quốc, có lẽ đã lưu lại tuổi trẻ sôi nổi của biết bao con người trên những cung đường đèo bụi bặm, đầy thử thách.

Chuyến đi lần này không phải lần đầu tiên mình đến với Hà Giang, mình đã quay trở lại đây sau 2 năm như một cái duyên sau nhiều lần lỡ hẹn. Hà Giang dường như vẫn thế lại dường như đã thay đổi đôi chút, nhưng có một điều chưa bao giờ khác đi: “Hà Giang đẹp, thực sự đẹp vô cùng”.

Dưới đây, mình xin phép chia sẻ với các bạn hành trình hai ngày của mình và nhỏ bạn thân ở Hà Giang.

Hành trình du lịch Hà Giang

Ngày 0: Hà Nội – TP Hà Giang

Mình và đứa bạn lên xe khách giường nằm tại điểm đón Ngã tư Phạm Văn Đồng giao Hoàng Quốc Việt và xuất phát từ Hà Nội lúc 22h30.

Lên xe, yên tâm ngủ một giấc thật ngon để có sức cho hành trình hơi bị khoai ngày hôm sau.

Ngày 1: TP Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Lũng Cú – Đồng Văn

  • TP Hà Giang >> Quản Bạ >> Yên Minh

Đúng 4h45, xe mình dừng tại thành phố Hà Giang, mình xuống tại nhà anh chị Giang Sơn để vệ sinh cá nhân và lấy xe máy luôn. Vì cũng có một đoàn check in cùng lúc nên bọn mình phải chờ để sử dụng nhà vệ sinh nên mất khoảng hơn 1 tiếng mới xong xuôi lên xe được.

Bọn mình quyết định sẽ ăn sáng ở thành phố và chọn vô quán phở Nghĩa (siêu nổi tiếng và đông khách). Nói chung, với một đứa là bigfan của Phở Hà Nội như mình thì phở ở đây sẽ không thể nào đạt được vị chuẩn như Hà Nội nhưng mình đánh giá là khá ổn, đầy đặn, giá cả hợp lý. Ở Hà Giang thì thật sự không có nhiều lựa chọn về ẩm thực lắm nên có một quán phở như này để cứu cánh những tâm hồn ăn uống cũng là tốt rồi đúng không. 

Sau khi ăn sáng xong, bọn mình ghé cây xăng, đồ đầy một bình rồi băng băng lên đường.

đường từ TP Hà Giang đi Quản Bạ
đường từ TP Hà Giang đi Quản Bạ
đường từ TP Hà Giang đi Quản Bạ
đường từ TP Hà Giang đi Quản Bạ

Quản Bạ

Từ TP Hà Giang (Km số 0) theo dọc quốc lộ 4C khoảng 45km sẽ tới Quản Bạ. Đây được coi là chặng đường dễ đi nhất vì vẫn còn khá bằng phẳng. Điểm nhấn đầu tiên của chặng này bắt đầu từ con dốc Bắc Sum khi xuất hiện những khúc cua lên dốc đầu tiên, tuy chưa quá khó nhưng cũng đủ để làm bài test về việc lên/về số xe của bạn có nhịp nhàng hay không ? Từ dốc Bắc Sum, đi khoảng 20km nữa sẽ tới Cổng Trời Quản Bạ. Ở đây, mọi người có thể dừng chân để nghỉ ngơi cũng như ngắm nhìn toàn cảnh núi đôi Quản Bạ hay còn được gọi với cái tên khác là núi Cô Tiên từ trên cao. Đây được coi là một trong số những điểm checkin nổi tiếng đối với mỗi ai từng đặt chân tới Hà Giang.

Núi đôi Quản Bạ
Núi đôi Quản Bạ

Yên Minh

Tạm biệt thị trấn Quản Bạ yên bình giữa buổi sớm, bọn mình thẳng tiến đi Yên Minh cách đó khoảng 50 km và điểm đến đầy háo hức chính là rừng thông Yên Minh (cách thị trấn Yên Minh khoảng hơn 15km). Mọi người thường nói, Yên Minh chính là nơi đã mang không khí và một góc nhỏ của Đà Lạt đến với Hà Giang. Bạn sẽ bắt gặp những hàng thông trải dài trên đường đi. Mình chưa may mắn được đi Đà Lạt nhưng với mình thì bất cứ nơi nào có thông – loài cây mà mình yêu thích thì hẳn đều sẽ dễ thương hết. 

Rừng thông Yên Minh
Rừng thông Yên Minh
Rừng thông Yên Minh
Rừng thông Yên Minh

Rừng thông Yên Minh hiện tại đã có đường đổ bê tông nối từ đưới đường quốc lộ lên, bạn có thể đi xe máy được nhưng hãy thật cẩn thận nhé vì đường khá nhỏ và dốc. Và ngay khi bánh xe vừa chạm đỉnh đồi, khung cảnh trước mắt chính xác là những gì chúng mình chờ đợi, cả một đồi thông xanh mát trải rộng ra trước mắt. Một recommend nhỏ là các bạn có thể mang theo tấm trải vải nhựa, đồ ăn nhẹ, radio và ngồi ở đây ăn bữa trưa tự chuẩn bị sẽ chẳng khác gì được đi picnic và thật sự là rất chill luôn đó.

Vì bọn mình không có sự chuẩn bị trước nên đành ngậm ngùi chia tay đồi thông để chạy xuống thị trấn Yên Minh nghỉ ngơi và ăn trưa.

  • Yên Minh >> Đồng Văn

Rời thị trấn Yên Minh vào khoảng giữa trưa sau khi đã nạp đủ năng lượng, bọn mình biết rằng hành trình chinh phục Hà Giang bây giờ mới thực sự bắt đầu. Quãng đường xuống Đồng Văn chỉ có 50km những sẽ mất khoảng 5 tiếng di chuyển vì đường đi không phải là dễ và dọc đường có rất nhiều điểm tham quan nổi tiếng buộc bạn phải dừng chân đủ lâu vì cảnh đẹp.

Dốc Thẩm Mã

Điểm dừng chân ấn tượng đầu tiên chính là dốc Thẩm Mã huyền thoại – nơi nổi tiếng với câu chuyện về việc lựa chọn ngựa tốt của bà con vùng cao – lời giải thích cho cái tên Thẩm Mã của con dốc. Sau những đoạn cua tay áo liên tiếp thì lên tới đỉnh dốc sẽ có điểm dừng chân để bạn có thể ngắm nhìn lại toàn bộ con dốc quanh co từ trên cao.

Dốc Thẩm Mã
Dốc Thẩm Mã

Phố Cáo, dốc Chín Khoanh

Sau khi vượt qua dốc Thẩm Mã, tiếp tục thẳng tiến theo quốc lộ 4C chừng 15 phút chạy xe sẽ tới thị trấn Phố Cáo nhỏ xinh, bạn nên chuẩn bị tinh thần tiếp tục chinh phục dốc Chín Khoanh phía trước với những đoạn cua liên tiếp để rồi có thể đứng trên đỉnh dốc phóng tầm mắt xuống bao trọn cả Phố Cáo xinh đẹp. 

Phó Bảng, Sủng Là

Từ Phố Cáo về thị trấn Đồng Văn bạn sẽ bắt gặp một ngã ba với hai hướng đi ngược nhau, một đi Phó Bảng, một xuống Sủng Là. 

Bọn mình chạy xe lên Phó Bảng trước và mất quá nhiều thời gian để rong chơi tại thị trấn nhỏ xinh này. Phó Bảng thơ mộng với bạt ngàn những ruộng hoa hồng, không gì chính xác hơn cho câu: “Hoa nở trên đá”. Rồi thị trấn hiện ra, đã choáng ngợp lấy mình bởi một chút gợi tưởng không gian Trung Hoa với những ngôi nhà trình tường mà tuổi đời đã hơn trăm năm, hai bên cánh cửa gỗ thấp thấp dán những câu đối chữ Hán cũ kỹ và chiếc đèn lồng đỏ khẽ đung đưa trên mái hiên.

Thị trấn Phó Bảng
Thị trấn Phó Bảng
Thị trấn Phó Bảng
Thị trấn Phó Bảng
Thị trấn Phó Bảng
Thị trấn Phó Bảng
Thị trấn Phó Bảng
Thị trấn Phó Bảng

Rời Phó Bảng, mình đổ đèo ngược xuống Sủng Là. Đây thật sự là con đèo cho mình điểm view tuyệt vời nhất để ngắm nhìn Sủng Là – một trong những xã vùng cao đẹp nhất vùng nguyên đá Đồng Văn. Đẹp đến nỗi mình chỉ mải mê ngắm nhìn mà quên mất việc phải chụp lại một bức ảnh để các bạn chưa có may mắn được đến thăm nơi này cũng có thể chiêm ngưỡng.

Ở Sủng Là, bạn có thể tới thăm di tích Nhà Pao, nơi được chọn làm bối cảnh cho bộ phim “Chuyện của Pao” và chụp ảnh với cánh đồng hoa tam giác mạch rất đẹp ở đây (tuy nhiên bạn sẽ mất phí 10k/người nếu muốn xuống chụp ảnh và mình thì không recommend các bạn điều này vì thực tế là Hà Giang có rất nhiều nơi khác có tam giác mạch siêu đẹp mà các bạn hoàn toàn có thể chụp ảnh free)

Lũng Cú

Từ Yên Minh đi Đồng Văn, một lần nữa bạn sẽ bắt gặp ngã ba đi Lũng Cú – Thị trấn Đồng Văn. Vì lần trước mình đã lên cột cờ Lũng Cú rồi nên lần này lên với Lũng Cú mình chỉ muốn giới thiệu với đứa bạn thân về café Cực Bắc mà mình đã thử cách đây 2 năm. Quán café nhỏ được xây dựng bởi người đàn ông Nhật Bản tên Ogura Yasushy, nằm nép mình sâu trong những con ngõ của thôn Lô Lô Chải, ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, cách biên giới Việt – Trung chưa đầy 1km.

cafe Cực Bắc
cafe Cực Bắc
cafe Cực Bắc
cafe Cực Bắc

Bọn mình gọi cafe cốt dừa và vị thực sự đậm đà hơn mình mong chờ rất nhiều, vừa uống vừa ngắm nhìn chị chủ quán rạng rỡ trong bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc của dân tộc Lô Lô. Café ở Hà Nội mà ngồi ngoài trời chắc hẳn sẽ ồn ào những tiếng xe cộ, tiếng giao hàng từ các con phố đổ về nhưng café ở Cực Bắc chỉ đơn giản là sự thư thái, cảm giác tự do tự tại trong một không gian đơn thuần chỉ có tiếng gió, tiếng lũ trẻ nô đùa và tiếng mèo con chút chút lại “meo” lên nũng nịu.

Thị trấn Đồng Văn

Mãi tới tận 4 rưỡi chiều, bọn mình mới từ Lũng Cú xuống thị trấn Đồng Văn và siêu may mắn khi về tới homestay khi trời vừa kịp tối, khoảng 6h hơn.

Ở Đồng Văn, bọn mình nghỉ tại Bụi Homestay, nơi có những đứa trẻ nhân viên dễ thương quá trời quá đất. Tối hôm đó, thay vì xuống thị trấn Đồng Văn để ăn tối thì bọn mình đã đặt trước với Bụi một lẩu gà ngon nhức nách.

Ăn uống, tắm giặt xong thì  ngồi uống rượu ngô, tám chuyện, bày đặt sinh trắc vân tay cho nhau đến tận đêm khuya. Rồi mặc kệ việc đồng hồ đã điểm sang ngày mới, cả bóng đêm đen kịt bao trùm lấy núi rừng thì chúng mình (hai bà già Hà Nội, một thằng em Sân Khấu Điện Ảnh đang trong những ngày đi thực tế Hà Giang, một thằng em Du Lịch quê Bến Tre, tất tưởi từ Sài Gòn ra Bắc, lên Đồng Văn làm thổ địa mà hỏi chỗ mô ở Đồng Văn cũng hem biết) dắt díu nhau lên sân bay cũ gần Bụi để ngắm sao, đặt máy phơi sao. Thiếu điều sợ ma muốn tụt huyết áp 😀

Từ Bụi lao dốc xuống khoảng 1km là tới thị trấn Đồng Văn, nơi vẫn còn lưu lại một góc phố cổ. Thị trấn Đồng Văn náo nhiệt và rực rỡ sắc màu nhất vào mỗi ngày chủ nhật hàng tuần, khi bà con từ khắp các làng bản trong những trang phục đặc trưng của người Mông, Nùng, Tày,Dao,…nô nức xuống núi họp chợ từ sớm tinh mơ.

Chợ phiên Đồng Văn
Chợ phiên Đồng Văn

Chợ Đồng Văn là một nét đẹp văn hóa độc đáo của Hà Giang, đồng thời cũng là nơi bà con vùng cao tập trung lại sau một tuần lao động hăng say để trao đổi hàng hóa, văn hóa hay chỉ đơn giản là để gặp gỡ bạn bè từ khắp nơi, ngồi uống với nhau vài chén rượu ngô bên bát thắng cố bốc khói nghi ngút rồi cười khà khà cho tới khi chân đi liêu xiêu không nổi trên những nẻo đường trở về bản.

Chợ phiên Đồng Văn
Chợ phiên Đồng Văn

Ngày 3: Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Sông Nho Quế – Mèo Vạc – TP Hà Giang

Sáng ngày thứ hai bắt đầu sớm, hai đứa đều nhận thức được hôm nay sẽ là một ngày đầy thử thách.

  • Đồng Văn >> sông Nho Quế  >> Mã Pì Lèng >> Mèo Vạc

Mã Pì Lèng

Từ thị trấn Đồng Văn đến Mèo Vạc (quãng đường 15km), các bạn sẽ đi qua đèo Mã Pì Lèng nổi tiếng là một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc. Cảm giác cầm lái trên những khúc đường ở Mã Pì Lèng hùng vĩ, thấy mây vờn dưới chân và hít hà cho no căng một bụng đầy sương sớm thanh khiết thật sự là những gì quý giá nhất mà tuổi trẻ mình có được.

Đèo Mã Pí Lèng, không thẻ bỏ qua khi du lịch hà Giang
Đèo Mã Pí Lèng, không thẻ bỏ qua khi du lịch hà Giang
Đèo Mã Pí Lèng
Đèo Mã Pí Lèng

Sông Nho Quế

Hai năm trước, mình đứng từ trên đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống con sông Nho Quế xanh màu ngọc bích như sợi chỉ vắt ngang hẻm Tu Sản mà ước: “Giá như được chèo thuyền dưới đó thì quá đã”. Vậy là lần này, mình đã được như ý. Dịch vụ đi thuyền trên sống Nho quế mới chỉ được phát triển từ khoảng hơn 1 năm trở về đây. Trên đường từ thị trấn Đồng Văn xuống Mèo Vạc, sẽ có trạm dừng đầu tiên để bạn đi xe máy xuống Tà Làng và bắt đầu đi thuyền từ dưới đó, tuy nhiên đường này rất nguy hiểm và khó đi với liên tiếp 50 khúc cua dốc, đường lại chỉ bé bằng khoảng một xe máy đi vừa, 2 xe tránh nhau cần đi rất chậm. Cả lúc xuống dốc là lên dốc gần như dậm số 1,2 từ đầu tới cuối, cần tay lái cứng, là cung đường không dành cho những kẻ yếu tim và bị chứng sợ độ cao. Có một con đường thứ hai để bạn đón thuyền và đỡ mạo hiểm hơn là đi theo lối Sìn Cái, bạn đi bộ mất khoảng 1 giờ đồng hồ để xuống tới bến thuyền.

sông Nho Quế
sông Nho Quế

Dòng sông Nho Quế xanh một màu xanh thực rất riêng, cảnh quan hai bên hùng vĩ, cảm giác phóng tầm mắt tới đâu cũng độc chỉ một màu xanh của núi rừng, cây cỏ, sông nước sẽ giúp bạn có thể gạt bỏ những muộn phiền , lo toan ra khỏi đầu và miệng thì không thể ngừng thốt lên: “Đẹp quá má ơiiiii “

Đi thuyền cả đi và về sẽ mất khoảng 1h15 phút, cộng thêm với 2 lần lên/xuống dốc Tà Luàng mất khoảng 1h30 phút nữa thì tổng cộng bạn cần bỏ ra 3h đồng hồ nếu muốn trải nghiệm tham quan sông Nho Quế bằng thuyền.

Đi thuyền trên sống Nho Quế
Đi thuyền trên sống Nho Quế

Mèo Vạc 

Từ dưới sông Nho Quế lên là khoảng 10h30 sáng, bọn mình chạy thẳng một mạch về Mèo Vạc để kịp nghỉ ngơi và ăn trưa. Ở Mèo Vạc, mình sẽ giới thiệu với mọi người một quán ăn khá ngon cũng như có dịch vụ ổn mà bọn mình đã trải nghiệm lần này (với con bạn mình thì lần nào qua Mèo Vạc nó cũng nhất định phải ăn trưa tại đây vì quá ghiền). Quán này có lẽ cũng rất nổi tiếng đối với các bạn từng đi Hà Giang, đó là quán cơm rang ở số 31 thị trấn Mèo Vạc. Cơm rang vàng óng với thịt bò và trứng chiên, có thêm bát cà muối ngon xuất sắc và một bát canh dưa chua ăn kèm. Suất cơm siêu đầy đặn và ăn xong no, chắc bụng vô cùng.

Ăn trưa xong là 12h, bọn mình tranh thủ nghỉ ngơi một chút rồi tới cây xăng đổ đầy bình và thẳng tiến về Mậu Duệ.

Cơm Rang Mèo Vạc
Cơm Rang Mèo Vạc
  • Đường Thượng >> Lùng Tám >> TP Hà Giang

Đường Thượng

Từ Mèo Vạc về lại TP Hà Giang khi tới Mậu Duệ, bạn có thể chọn đi theo hướng Yên Minh hoặc đường Thượng để về lại Thành phố. Là người đã từng trải nghiệm cả hai cung đường, mình thấy: Đường hướng Yên Minh thì ngắn và dễ đi hơn nhiều trong khi đường Thượng vừa mất nhiều thời gian hơn (đi đường này các bạn cần lưu ý thời gian vì có thể chưa kịp về tới Quản Bạ thì trời đã tối ầm rồi) và độ khoai cũng hơn nốt, có những đoạn khó đi cần tay lái chắc (update một chút với các bạn là hầu hết các đoạn đường ở đường Thượng đã được sửa xong, không còn đá lởm chởm nên cũng bớt đi phần nào sự khó khăn rồi nhé, tuy nhiên về đến Lùng Tám thì sẽ mất khoảng 2km đường đất siêu khó đi và nếu chẳng may gặp mưa nữa thì sẽ thành sình lầy trơn trượt rất nguy hiểm, hy vọng sẽ sớm sửa xong trước khi các bạn lên đường). Dù nhiều khó khăn hơn là vậy, nhưng bù lại thì view ở đường Thượng thực sự không đùa được đâu, đẹp đến mức bọn mình cứ chốc chốc lại phải dừng xe, có lần mất tới 30 phút chỉ để ngắm nhìn tất cả, rồi hét lên giữa núi rừng, hát vu vơ những câu không đầu không cuối vì cả chặng đường chẳng mấy khi có xe cộ, dân bụi đi đường này hôm đó bọn mình chỉ gặp Tây (các bạn Việt chắc đi đường Yên Minh hết rôi ha =]]] ) Tùy vào quỹ thời gian và cả độ chắc của tay lái, bạn có thể lựa chọn cung đường phù hợp với bản thân.

Đường Thượng
Đường Thượng
Đường Thượng
Đường Thượng
Đường Thượng
Đường Thượng

Tối Hà Giang

Bọn mình về tới Hà Giang khi trời vừa kịp tối (quá hên và ngon nghẻ ). Vệ sinh cá nhân xong thì bọn mình đi ăn trước khi lên xe khởi hành về Hà Nội.

Bữa tối ở Hà Giang cũng không có quá nhiều sự lựa chọn, bọn mình được chị chủ cửa hàng Giang Sơn  recommend vài món nổi tiếng như: thịt dê, lẩu cá tầm, phở chua, nướng, vv… Bọn mình đi loanh quanh rồi chốt lại là ăn phở gà cho nhanh gọn vì cũng không đói lắm và cả 2 đứa đã khá mệt rồi. Trong những món được giới thiệu, thì mình đã thử phở chua cách đây 2 năm và thấy cũng khá ngon, chỉ có điều để tìm ra quán đó, mình vẫn nhớ đã đi quanh quẩn thành phố Hà Giang không biết bao nhiêu lần, mình không nhớ địa chỉ rõ ràng và có search trên google mà không thấy, chỉ biết quán ở đường Bạch Đằng (bạn nào muốn thử thì gắng tìm thêm hoặc hỏi người dân bản địa thêm nha )

9h tối thì bọn mình lên xe và 4h30 sáng đã có mặt ở bến xe Mỹ Đình, về nhà vẫn kịp tắm rửa rồi tranh thủ chợp mắt một chút là đi làm.

Vậy là kết thúc hành trình làm biker rong ruổi trên những cung đèo bụi bặm nhưng hùng vĩ đến ngợp thở của Hà Giang. Lần này bọn mình đi, thời tiết Hà Giang ủng hộ vô cùng, nắng thu vàng nhẹ nhàng và cũng chỉ bị gặp thánh Mưa mất chừng 15 phút thôi. Và mình chắc chắn rằng, sẽ còn trở lại Hà Giang dài dài thêm vài lần nữa, yêu thương vô cùng.

 

Thông tin 1 số dịch vụ mình đã sử dụng cho chuyến đi 2 ngày ở Hà Giang

  • Xe khách giường nằm:

Mình book toàn bộ vé xe hai chiều trên: https://vexere.com

  • Hà Nội – Hà Giang: Xe Bằng Phấn (xuất phát từ Hà Nội lúc 22h30): Chất lượng tốt, xe chạy êm, đi an toàn
  • Hà Giang – Hà Nội: Xe Cầu Mè (xuất phát từ TP Hà Giang lúc 21h): Chất lượng xe không tốt lắm, xe hơi cũ, xe chạy bị lắc nhiều

Thuê Xe máy thì mình thuê ở

  • Xe máy Giang Sơn 
  • Địa chỉ     : Km3 Cầu Mè, TP.Hà Giang
  • Điện thoại: 0941719955 – 0988470863

Chất lượng rất tốt, xe máy ở đây mới, được bảo dưỡng kỹ nên đi rất yên tâm. Ngoài ra, còn có thêm dịch vụ phòng chờ để bạn có thể chợp mắt một chút trước khi lên đường nếu như bạn tới Hà Giang khá sớm. Dịch vụ vệ sinh cá nhân cũng rất sạch sẽ, bạn có thể tranh thủ tắm trước khi về lại Hà Nội. Anh chị chủ thì nhiệt tình, dễ mến vô cùng, thấy khách quen ( chị chủ nhớ mặt khách đó nha) là tự động giảm giá thuê xe cho khách. Cửa hàng khá nổi tiếng và được mọi người đánh giá khá cao nên mọi người yên tâm lựa chọn hen.

Homestay: mình đặt ở BỤI homestay: dongvan.buixuyenviet.com

  • Phòng: BỤI có cả dorm và phòng riêng trong trường hợp bạn cần sự riêng tư
  • Đồ ăn/uống: BỤI có phục vụ đồ uống (café, bia,…) và các bữa ăn trong ngày bao gồm: cơm món, lẩu, BBQ,… Các bạn hãy order trước để BỤI có thể chuẩn bị tốt nhất nhé. Với đánh giá của mình thì đồ ăn ở BỤI khá ngon và giá cũng ổn đó mọi người
  • Chất lượng dịch vụ: mấy nhỏ nhân viên dễ thương, phục vụ nhiệt tình và rất vui tánh nữa

Chi phí cho chuyến du lịch Hà Giang 2 ngày

  • Xe khách 2 chiều: 200K/chiều x 2 = 400k
  • Xe máy                : 170K
  • Thuyền                : 150K
  • Homestay            : 150K (dorm) + 150K (lẩu) = 300K
  • Xăng                    : 200K
  • Ăn uống 2 ngày   : 300K

Lưu ý: tất cả chi phí trên mình đã chia theo đầu người 

  • Tổng khoảng 1700K/người

Xem thêm bài viết về du lịch Hà Giang & Tây Bắc

Có thể nói “ Bốn bánh dịch chuyển thân thể – Hai bánh dịch chuyển tâm hồn”, đúng vậy Hà Giang đẹp bởi hành trình, cung đường từng nhành cây ngon cỏ ven đường. Nếu không đi được bằng xe máy thì hơi có lỗi với thiên nhiên. Tại Tp. Hà Giang có khá nhiều Tour du lịch bằng xe máy có người địa phương chở chỉ việc ngồi sau ngắm cảnh và nghe kể những cuộc sống nơi đây.

Bốn bánh dịch chuyển thân thể - Hai bánh dịch chuyển tâm hồn
Bốn bánh dịch chuyển thân thể – Hai bánh dịch chuyển tâm hồn=

Bạn có thể lựa chọn đơn vị Thổ Địa Du Lịch – Là đơn vị đi đầu trong việc du lịch trải nghiệm bằng xe máy ở Hà Giang. Đây là đơn vị nhiều năm kinh nghiệm cũng như được nhiều khách hàng đã tin tưởng sử dụng nhiều năm qua.

Hoặc tìm hiểu thêm tại:

Website: https://thodiahagiang.com

Facebook: https://www.facebook.com/ThoDiaDuLich

Điện thoại/ Zalo tư vấn trực tuyến: 08 1702 1979 / 0936 345 111

Viết một bình luận