Đến Chiang Rai – đừng quên ghé thăm Đền Trắng Wat Rong Khun! Đó là câu cửa miệng của mình khi có ai đó hỏi thăm hay nhờ gợi ý lịch trình tham quan khi có dự định đi Chiang Rai, Chiang Mai (2 tỉnh ở phía Bắc Thái Lan). Ngôi Đền Trắng tuyệt đẹp sẽ khiến bạn choáng ngợp với hình ảnh tinh khôi mơ màng và lấp lánh ánh bạc trong nắng sớm. Và chắc chắn đến đây, bạn sẽ có những bức hình sống ảo tuyệt đẹp.
Đôi Nét Về Đền Trắng Wat Rong Khun
Nếu những ai thích tìm hiểu các nền văn hóa độc đáo, tôn giáo hay kiến trúc đền chùa và cả thiên nhiên còn mang nét hoang sơ thì lời khuyên nhất định nên đi miền Bắc Thái Lan như Chiang Mai, Chiang Rai. Điểm đặc biệt mà mình để ý là Thái Lan là một đất nước Phật giáo nên cực kỳ nhiều chùa chiền với kiến trúc độc đáo, và hầu như các chùa đều có tuổi đời đến mấy trăm năm. Nói là vậy nhưng đi Chiang Rai mới thấy thú vị vì có cả những ngôi đền mới xây trong thời kỳ hiện đại nhưng vẫn đẹp một cách tráng lệ theo một style rất Thái Lan, nhất là Wat Rong Khun – ngôi Đền Trắng được “đồn đại trong truyền thuyết”.
Khác với một loạt ngôi đền nổi tiếng ở Chiang Mai, Wat Rong Khun của “người hàng xóm” Chiang Rai là ngôi đền được xây cuối thế kỷ 20 trên nền 1 ngôi chùa cũ. Wat Rong Khun là sở hữu tư nhân của người nghệ sĩ tên là Chalermchai Kositpipat. Ông đã chi 40 triệu baht Thái tiền riêng của mình để xây dựng nên công trình với kiến trúc đồ sộ và hoành tráng như mọi người có thể nhìn thấy. Công trình đến nay vẫn tiếp tục được xây thêm và chưa có ý định dừng lại. Chalermchai Kositpipat chia sẻ đây là món quà mà ông dâng lên Đức Phật để tỏ lòng thành kính của mình. Được biết, vào tháng 5/2014, Đền Trắng Wat Rong Khun đã chịu ảnh hưởng từ trận động đất ở Mae Lao tấn công nên đã bị đóng cửa tham quan vô thời hạn. Chủ nhân của nó – ông Chalermchai nói sẽ phá hủy các công trình vì lý do an toàn và sẽ không xây dựng lại. Tuy nhiên sau 1 cuộc khảo sát, người ta kết luận tất cả các tòa nhà của Wat Rong Khun đều không hề hấn gì, do đó Chalermchai tuyên bố sẽ khôi phục lại ngôi đền và Wat Rong Khun được mở cửa trở lại ngay sau đó 1 thời gian. Hai khu vực công chúng được ghé vào là khu đền chính và khu nhà trưng bày, các điểm khác thì chỉ được chụp hình bên ngoài.
Kiến Trúc Độc Đáo Của Ngôi Đền Trắng
Wat Rong Khun là niềm tự hào của người dân Chiang Rai khi nhắc đến nó hầu như khách du lịch quốc tế đều biết. Điểm đặc biệt là ngôi đền này được thiết kế với màu trắng chủ đạo bao trùm cả công trình (chỉ có 1 tòa nhà màu vàng). Toàn bộ công trình này ẩn dụ cho con đường đến với thiên đường hạnh phúc của con người với rất nhiều tác phẩm khắc, vẽ… đại diện cho các triết lý sâu xa. Để đến với ngôi đền chính mang một màu trắng tuyệt đẹp, du khách phải đi qua 1 hồ nước và một cây cầu. Cầu này được gọi là Cây cầu “chu kỳ tái sinh”. Bên dưới cầu là hình ảnh những bàn tay đang vươn ra tượng trưng cho những ham muốn xấu xa. Cầu mang ý nghĩa: con đường dẫn đến hạnh phúc của mỗi người là phải vượt qua những cám dỗ, tham lam và ham muốn.
Sau khi vượt qua cầu thì sẽ gặp “Cổng thiên đường”. Qua “cổng thiên đường” thì sẽ gặp đền Chính được xây theo kiểu đặc trưng của Thái Lan, có 3 tầng, có rắn Naga, có nhiều chi tiết trên mái được trang trí lấp lánh như dát bạc rất đẹp. Khi đến đây bạn có thể không vào bên trong chánh điện mà đi vòng tham quan hai bên hông của tòa nhà chính này. Đây chính là chỗ có thể chụp hình sống ảo đẹp ngất ngây.
Điểm “độc, lạ” của chùa này còn là: nếu như tất cả các chùa khác có thờ tượng Phật trong chánh điện thì chùa này hoàn toàn không có. Bước vào chánh điện, bạn sẽ chỉ thấy 1 số bức bích họa vẽ ảnh các nhân vật từ đời xưa cho đến những nhân vật nổi tiếng đời nay, và kể cả các nhân vật tưởng tượng. Đó là Harry Potter, Superman, Hello Kitty, Michael Jackson, Neo, Conan, Doremon… Bên cạnh đó còn có hình ảnh của những điều hủy diệt: những chiếc máy bơm dầu, tấn công khủng bố, chiến tranh hạt nhân… Ngụ ý của ý tưởng này là không đâu có anh hùng, mọi người đều xấu xa. Và kết hợp với tất thảy các khu vực khác thì Đền Trắng mang thông điệp nhắn nhủ: cách để tìm được đến với hạnh phúc chính là từ bỏ những ham muốn xấu xa. Ngoài các điểm như trên, chùa còn có 1 tòa nhà đứng riêng lẻ, màu vàng. Nếu như tòa chánh điện là màu trắng, đại diện cho “tâm trí” thì tòa nhà này đại diện cho “cơ thể con người”.
Lưu Ý Quan Trọng Khi Tham Quan Đền Trắng Wat Rong Khun Ở Chiang Rai:
– Vào chính điện thì sẽ bị cấm chụp ảnh bên trong, bạn nên lưu ý điều này.
– Trước khi vào trong chính điện thì phải bỏ giày dép ra và cho vào bọc nilon rồi xách theo hoặc cho vào balo, túi xách của mình. Lý do là bạn chỉ có 1 cửa vào và 1 cửa ra nên không thể quay lại ra cửa để lấy giày. Ngoài ra người đến đây tham quan cũng rất đông, đặc biệt là vào thứ 7, chủ nhật thì chật cứng đường đi.
– Khi đi Đền Trắng Wat Rong Khun thì cũng tương tự các đền chùa khác: nên mặc trang phục lịch sự, kín đáo, không mặc quần đùi, váy ngắn, áo ba lỗ, nên mặc áo có vai áo, quần dài quá đầu gối. Lỡ mà mang quần đùi thì nên lấy khăn quấn lại như quấn xà rông.
– Vé vào Đền Trắng là 50 baht. Lưu ý là cổng vào và cổng ra gần nhau (song song). Và cổng ra thì gần với nhà vệ sinh, do đó ai không để ý thường đi vệ sinh xong sẽ đi ra cổng luôn, như vậy bảo vệ sẽ không cho vào nữa. Nếu tham quan chưa xong mà đi ra thì rất uổng nhé.
Đến Đền Trắng Wat Rong Khun Như Thế Nào?
Để đến Đền Trắng, bạn có thể xuất phát từ 2 phía:
Một là bạn đã lên Chiang Rai rồi thì có thể dễ dàng đi Đền Trắng bằng taxi, songthaew, xe bus… Xe bus thì có thể đón ở ngay chợ trung tâm của Chiang Rai, giá vé 20 baht.
Hai là nếu bạn đang ở Chiang Mai và không có nhiều thời gian lên Chiang Rai thì có thể tranh thủ từ Chiang Mai đi Đền Trắng Wat Rong Khun luôn (đi về Chiang Mai trong ngày). Phương tiện di chuyển thì có thể thuê taxi, xe đạp, xe máy… Từ Chiang Mai đi Chiang Rai mất 174km. Đền Trắng nằm ngay bên đường quốc lộ từ Chiang Mai đi Chiang Rai. Bạn có thể Google Maps để thấy: Old City Chiang Mai > đường 118 > đường số 1 (Phahonyothin Rd).
Ba là hiện nay có tour day trip từ Chiang Mai đi Chiang Rai tham quan các điểm như làng cổ dài Karen Long Neck, đi luôn Wat Rong Khun, có thêm cả option tham quan Tam Giác Vàng – biên giới của Lào – Thái – Myanmar và đi trên sông Mekong sang đất Lào luôn nhé.
Bài viết từ Blogger Liên Phạm (goccualien.com)